Củ mài hay còn gọi là hoài sơn là loại củ mọc hoang dại trong rừng nhưng là vị thuốc tốt và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm củ mài là gì, những tác dụng của củ khoai mài, cách sử dụng củ hoài sơn và những lưu ý khi sử dụng.
Củ mài (hoài sơn) là củ gì?
Củ mài có vỏ màu nâu sậm, bên trong có màu trắng ngà và không có xơ. Khoai mài có chứa nhiều nguyên tố vi lượng và một số hoạt chất tốt cho sức khỏe. Khoai mài giúp bồi bổ sức khỏe giúp sinh khí, bổ ngũ tạng. Ngoài ra hoài sơn cũng được sấy khô làm thuốc chữa bệnh.
Củ mài còn được gọi là củ khoai mài, hoài sơn, củ chụp, có tên khoa học là Dioscoreaceae Persimilis Prain Et Burk. Khoai mài mọc chủ yếu ở những khu rừng rậm tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Dây hoài sơn thuộc dạng thân leo, lá xanh đậm có hình tim, hoa mọc thành chùm có màu trắng vàng. Dây mài có màu hồng nhạt, bề mặt nhẵn nhưng sờ vào thì cảm giác góc cạnh.
Củ mài được phát triển từ rễ lớn ăn sâu trong lòng đất, nhiều củ có thể dài tới 1 mét. Vỏ khoai mài có màu nâu vàng sậm, bên trong có màu trắng ngà, mịn và nhiều thịt. Thịt củ mài có thể sử dụng để luộc/ hấp chín ăn rất ngon; ngoài ra có thể chế biến thành các món chè, bánh ngon và giàu dinh dưỡng. Ăn củ mài giúp bồi bổ cơ thế, sinh khí, bổ thận, bổ tỳ, bổ phổi,… Bên cạnh đó, khoai mài còn có thể sấy khô và sử dụng làm thành phần quan trọng của nhiều vị thuốc chữa bệnh.
Các thành phần trong củ khoai mài
Củ mài là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu, có tới 63,25% thành phần trong khoai mài là tinh bột, 0.45% lipid, 6.75% protid, 2-2.8% chất nhầy. Ngoài ra còn có nhiều thành phần khác như vitamin, chất chống oxy hóa, cholin, saponin, acid amin, dioscin, allantoin, saponin với nhân sterol, các nguyên tố vi lượng.
Tác dụng của củ chụp
Theo đông y, khoai mài có tính bình, vị ngọt, đi vào các kinh: Tỳ, phế, thận, vị. Vì vậy, sử dụng hoài sơn có tác dụng bổ thận, khỏe phổi, mạnh tỳ, tốt vị, sinh tân dịch, sinh khí, mạnh gân, xương. Tốt cho những người cơ thể suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, mất khẩu vị, có vấn đề về hô hấp như ho, hen suyễn, vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, củ khoai mài còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, chống xơ vữa động mạnh, kiểm soát đường huyết, đái rắt, đái tháo, di tinh, …
Một số nghiên cứu, hoài sơn còn có tác dụng chữa mụn, nhọt, viêm loét, áp xe, côn trùng cắn, giúp cho vết thương mau lành nhờ hoạt chất allantoin. Bên cạnh đó củ mài còn rất tốt cho phụ nữ, giúp chị em hạn chế tình trạng khô âm đạo, khí hư, rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh, cáu gắt do mãn kinh, chống lão hóa,…
Cách sử dụng củ mài, những bài thuốc quý từ khoai mài
Củ khoai mài có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nếu như chúng ta biết cách sử dụng đúng cách. Dưới đây là một số cách dùng củ mài, một số bài thuốc từ hoài sơn:
Cách sử dụng của khoai mài trong bài thuốc bổ tỳ
Củ mài 50g kết hợp với khoai sọ 200g và gạo tẻ 50g. Đem các nguyên liệu rửa sạch, bỏ vỏ, nấu nhừ thành cháo và ăn hàng ngày. Sau một thời gian, tỳ vị của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Bài thuốc này còn rất tốt với những người có thể trạng ăn uống không thấy ngon miệng, người mệt mỏi, lười ăn, đuối sức.
Sử dụng củ mài trong bài thuốc chữa suy nhược cơ thể
Bài thuốc này rất tốt với những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng. Thành phần của bài thuốc gồm có:
Hoài sơn, biển đậu, ý dĩ, hạt sen, bạch truật, mỗi thứ 12g. Bồ chính sâm 15g, hạt cau 10g, vỏ quýt và nam mộc hương mỗi loại 6g.
Đem các nguyên liệu kể trên rửa sạch, sắc với 1 lít nước, khi sôi hạ nhỏ lửa, khi thuốc cạn còn 500ml thì sử dụng. Chia lượng thuốc thành 2 phần uống sử dụng trong ngày. Thời gian sử dụng và phát huy hiệu quả là từ 5 ngày tới 1 tuần.
Sử dụng hoài sơn trong bài thuốc cải thiện tiêu hóa
Với những người tình trạng tiêu hóa kém, mắc bệnh về đường ruột, dạ dày ở mức độ vừa và nhẹ có thể cải thiện bằng bài thuốc sau:
Khoai mài khô 8g, trần bì 5g, bạch truật 8g, phục linh 6g. Đem các vị thuốc trên cho vào ấm tráng qua với nước sôi để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó thêm 700ml nước sắc trong 15 phút thì tắt bếp. Chia lượng nước thuốc thành 2-3 phần và uống hết trong ngày. Người bệnh có thể sử dụng liên tục từ 5 ngày đến 1 tuần để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Bài thuốc khoai mài giúp bổ thận
Bài thuốc này rất tốt trong việc bổ thận, điều trị chứng âm hư, mộng tinh. Các nguyên liệu gồm có: hoài sơn, khiếm thực mỗi loại 10g; bạch truật 8g, sơn thù du 6g. Sau đó rửa sạch các vị thuốc trên đem sắc với 700-1 lít nước, để sôi trong 15 phút. Gạn lấy lượng nước thuốc uống 3 lần/ ngày vào buổi sáng, trưa và tối. Để hiệu quả, bạn nên sử dụng từ 10-15 ngày.
Bài thuốc từ củ chụp giúp bổ phổi, trị ho
Nguyên liệu cho bài thuốc gồm củ khoai mài, củ mạch môn, bách hợp mỗi thứ 10g, sa sâm 6g. Tất cả các vị thuốc trên đem sắc với 1,2 lít nước. Sắc trong lửa nhỏ cho tới khi chỉ còn 700-800ml thì tắt bếp. Sử dụng uống làm 3 lần/ ngày. Cần uống liên tục trong 3-5 ngày sẽ thấy kết quả như ý.
Bài thuốc từ hoài sơn đối với bệnh tiểu đường
Với những bệnh nhân bị tiểu đường có thể sử dụng bài thuốc với các nguyên liệu gồm: củ mài 15g khô; thiên hoa phấn, thạch hộc mỗi loại 12g. Đưa cá vị thuốc kể trên đem sắc với 1,2 lít nước. Khi thuốc sủi hạ nhỏ lửa liu riu cho tới khi còn 400-500ml là được. Sử dụng lượng nước thuốc uống làm 3 lần: sáng, trưa, tối.
Do tiểu đường là căn bệnh mãn tính nên người bệnh cần sử dụng bài thuốc này thường xuyên và liên tục để kiểm soát lượng đường huyết ổn định. Đây là bài thuốc có thể sử dụng lâu dài để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh.
Sử dụng củ mài trong điều trị kiết lỵ, tiêu chảy do tì vị hư
Nguyên liệu chữa bệnh gồm củ khoai mài, đảng sâm, cam thảo, bạch truật mỗi loại 80g; trần bì, cát cánh, ý dĩ nhân, liên nhục, sa nhân mỗi loại 30g, biển đậu 60g. Các vị thuốc kể trên đều được tán thành bột mịn, trộn đều nhau. Mỗi ngày dùng 8-12g chia trong 1-3 lần uống bằng cách hòa tan với nước ấm hoặc để trong túi lọc sắc uống.
Sử dụng hoài sơn kiện tỳ sử dụng cho trẻ em
Bài thuốc gồm 60g củ mài sao vàng, bạch biển đậu 45g sao vàng; sơn trà, mạch nha, đương quy, thần khúc mỗi loại 45g; trần bì, sử quân tử mỗi loại 30g cùng với bạch truật 30g sao vàng; thêm 20g cam thảo và 20g hoàng liên. Các thảo dược trên đem tán thành bột mịn, trộn đều với mật ong, sau đó vê thành viên nhỏ cỡ như hạt đậu đen. Mỗi lần sử dụng 3g cho trẻ em, dùng 2-3 lần mỗi ngày
Khoai mài sử dụng trong bài thuốc chữa di tinh nhiều lần
Thành phần cho bài thuốc gồm củ mài, táo nhân, bạch truật, kim anh, đảng sâm, khiếm thực, phục linh, mỗi loại 12g; ngũ vị tử, viễn chí 6g mỗi loại, cam thảo 4g. Các nguyên liệu trên trụng qua nước sôi sau đó thêm nước sắc uống hàng ngày thay nước.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng khoai mài, quả chốc xôi mỗi loại 10g, tất cả đem sao vàng và sắc với nước uống như uống trà. Bài thuốc này cũng rất tốt để điều trị chứng di tinh.
Một số lưu ý khi sử dụng củ mài
Mặc dù là một loại thực phẩm rất ngon bổ và giàu dinh dưỡng, là một vị thuốc quý trong đông y. Tuy nhiên, khi sử dụng khoai mài, mọi người cần lưu ý những nội dung sau:
- Hoài sơn là một dược liệu quý nên rất dễ có hàng giả, do đó, bạn cần chọn những địa chỉ phân phối uy tín để mua hàng đảm bảo chất lượng.
- Nên sử dụng hoài sơn làm thuốc theo sự chỉ định của bác sỹ
- Người thừa cân, béo phì không nên sử dụng khoai mài vì hàm lượng tinh bột cao
- Phụ nữ đang mang bầu, cho con bú, trẻ nhỏ không nên tự ý sử dụng bài thuốc từ hoài sơn
- Những người bị táo bón, thấp nhiệt không nên sử dụng
- Không nên sử dụng bài thuốc từ củ khoai mài quá liều lượng.
Có thể bạn chưa biết:
- Hạt điều – Thức quà bổ dưỡng từ mẹ thiên nhiên đã tạo ra
- Đậu phộng – Chất dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe
Kết luận
Trên đây là những thông tin tìm hiểu về củ mài, tác dụng của khoai mài và những bài thuốc từ hoài sơn. Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ có thêm những thông tin bổ ích để chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình tốt hơn. Nếu bạn cần mua củ khoai mài để sử dụng, hãy tìm chọn những địa chỉ uy tín để đảm bảo giá tốt, sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc.